Kết quả Hội nghị thượng đỉnh G20 2009 tại Luân Đôn

Vào thứ sáu, 3 tháng 4, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã kết thúc với bản thông cáo chung cho thấy các cường quốc kinh tế sẽ tăng ngân khoản kích thích kinh tế cũng như tăng tiền cho các tổ chức tài chánh quốc tế, đặc biệt là khoản tiền dành cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để yểm trợ cho các nước đang phát triển trong giai đoạn kinh tế khó khăn lúc này.[5]

Các nhà lãnh đạo của những cường quốc kinh tế hàng đầu đồng ý với nhau là phải thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế một cách quy mô hơn và hữu hiệu hơn. Các vị đưa ra lời cam kết trong năm nay và năm tới sẽ bỏ ra ngân khoản tổng cộng lên đến 5.000 tỷ Mỹ kim để phục hồi kinh tế toàn cầu, hay ít nhất, để vượt qua những sóng gió về tài chánh mà thế giới đang phải đương đầu.

Bản thông cáo chung được phổ biến sau Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 1 ngày tại thủ đô Anh cho thấy, sau cùng, những khác biệt từng làm mọi người lo âu có thể khiến hội nghị bị đổ vỡ đã không xảy ra. Ngay chính Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp - người từng dọa sẽ bỏ ra ngoài nếu các nhà lãnh đạo chỉ đưa ra lời nói suông mà không có những kế hoạch hành động cụ thể đi kèm - cũng xác nhận rằng kết quả "vượt qua dự tính của mọi người". Bà Thủ tướng Angela Merkel của Ðức thì nói Hội nghị thượng đỉnh Luân Ðôn đã kết thúc với "thỏa thuận lịch sử".[6]

Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố những khác biệt vẫn "không chia cách được chúng tôi" vì "tất cả mọi người đều đồng ý bằng mọi cách phải vượt khó khăn để kinh tế toàn cầu phát triển trở lại". Ông cũng bảo là "một trật tự toàn cầu mới đã thành hình" và thế giới thật sự "bước vào một kỷ nguyên mới của hợp tác quốc tế".

Bên cạnh lời cam kết thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế toàn cầu, hội nghị G-20 Luân Đôn còn kết thúc với cam kết đóng góp tổng cộng hơn 1.000 tỷ Mỹ kim cho các tổ chức quốc tế, trong đó phần góp cho Quỹ Tiền Tệ Quốc tế sẽ lên đến 750 tỷ Mỹ kim để quỹ có tài khoản sử dụng trong công tác giúp những nước nghèo và những nước đang phát triển khi gặp khó khăn về tài chánh. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ bán một lượng vàng dự trữ để có thêm nhiều tỷ Mỹ kim giúp các nước nghèo. Ngân hàng Thế giới cũng được chia 50 tỷ Mỹ kim để thực hiện chương trình phát triển trao đổi mậu dịch toàn cầu.[7]

Vị thủ tướng Anh nói các nước dự Hội nghị thượng đỉnh cũng đồng ý thành lập một Hội đồng Ðặc trách Ổn định Tài chánh để theo dõi các chương trình kích thích kinh tế toàn cầu mà mọi quốc gia sẽ thực hiện trong những tháng tới. Hội đồng này còn có trách nhiệm báo động cho thế giới biết những trở ngại có thể xảy ra, và báo cáo cho các quốc gia biết những gì cộng đồng quốc tế đã thực hiện được cũng như cần phải làm khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần 3 diễn ra tại New York ở Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2009.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội nghị thượng đỉnh G20 2009 tại Luân Đôn http://www.theage.com.au/opinion/australia-may-str... http://uk.reuters.com/article/idUKTRE53127W2009040... http://www.reuters.com/article/latestCrisis/idUS12... http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/7974190.stm http://news.bbc.co.uk/2/hi/business/7979483.stm http://news.bbc.co.uk/2/hi/europe/7977407.stm http://www.guardian.co.uk/politics/blog/2009/apr/0... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:2009_G...